Tư vấn luật đầu tưTư vấn:096.948.3539 - 096.948.3539 - 093.123.3539

03/052024

CÁC VẤN ĐỀ CHUNG TRONG THỎA THUẬN ĐỒNG SÁNG LẬP DOANH NGHIỆP

1. Thỏa thuận đồng sáng lập là gì?

   ♦ Doanh nghiệp khởi sự là doanh nghiệp bắt đầu bước vào thị trường kinh doanh với vấn đề cốt lõi ở việc bắt đầu tạo lập một công việc kinh doanh mới.

   ♦ Để tạo nên doanh nghiệp khởi sự, chủ thể sáng lập có thể là một cá nhân hoặc nhiều cá nhân, một tổ chức, hoặc nhiều tổ chức đứng ra thành lập phù hợp với những quy định pháp lý hiện hành. Và để đảm bảo hiệu quả cho các tổ chức trong thời kỳ này, những người đứng ra sáng lập sẽ liên kết với nhau, cùng nhau thỏa thuận những nội dung chính cho doanh nghiệp sẽ bắt đầu kinh doanh khi đủ điều kiện thông qua một văn bản pháp lý gọi là: Thỏa thuận đồng sáng lập.

  ⇒ Như vậy, thỏa thuận đồng sáng lập là một bản thỏa thuận có hiệu lực pháp lý giữa những người đồng sáng lập để cùng nhau tạo lập một dự án kinh doanh theo mô hình khởi nghiệp. Thỏa thuận này gồm các điều khoản quy định về vai trò, trách nhiệm đóng góp của các Co-founder cho Công ty khởi nghiệp cũng các quy định về vận hành, nhân sự, tài chính, quyền điều hành dự án và quyền sở hữu Công ty giữa những người tham gia.

2. Vai trò của thỏa thuận đồng sáng lập với doanh nghiệp khởi sự

Để các đồng sáng lập nhận thấy được vai trò, tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của thỏa thuận này, True Legal với đội ngũ nhân sự có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia hỗ trợ các dự án startup xin được ra một số ý vai trò của thỏa thuận cần sáng lập như sau:

Thứ nhất, khi có thỏa thuận đồng sáng lập sẽ phân định rõ ràng, công bằng về quyền lợi và trách nhiệm giữa các nhà sáng lập khi bắt đầu tạo lập doanh nghiệp:

  ► Sở dĩ nói vậy vì trong thực tế, không ít dự án khởi nghiệp đứt gánh giữa đường bởi giữa các nhà sáng lập không tìm được tiếng nói chung khi xảy ra mâu thuẫn. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ họ không lường trước được những mâu thuẫn có thể xảy ra để ràng buộc và điều chỉnh ngay từ khi bắt đầu hợp tác.

Thứ hai, một bản thỏa thuận sáng lập hoàn chỉnh sẽ hạn chế quá trình “tan rã” nội bộ của doanh nghiệp và có nền tảng để phát triển trong tương lai:

  ► Việc sáng lập doanh nghiệp mà không có thỏa thuận đồng sáng lập có thể là nguyên nhân chính làm mâu thuẫn giữa những nhà sáng lập với nhau. Bởi sau một thời gian, hoàn cảnh thay đổi, đặc thù công việc khác nhau, kết quả công việc thể hiện ở những hình dạng khác nhau nên có những giai đoạn, nhà sáng lập này cống hiến nhiều, nhà sáng lập kia cống hiến ít và ngược lại.

  ► Các nhà sáng lập thường có xu hướng so sánh sự đóng góp của mình với phần được hưởng hay số cổ phần mình sở hữu trong công ty với những nhà sáng lập khác. Và khi so sánh như vậy, tâm lý chung, ai cũng thấy bất công, ai cũng cho rằng "cỏ bên kia cánh đồng xanh hơn". Từ đó những bất đồng ngầm xảy ra, khởi đầu cho quá trình tan rã.

Bởi vậy, nếu khi bắt đầu, các nhà sáng lập phân tích cặn kẽ vai trò của mỗi người để đưa ra mức sở hữu phù hợp với những lý do đánh giá sự đóng góp và được ghi nhận bằng văn bản thì nếu có những hoài nghi về sự công bằng hay muốn chia lại chiếc bánh, nhà sáng lập cũng sẽ phải đọc lại văn bản để nhớ về thỏa thuận khi bắt đầu, góp phần loại trừ những mâu thuẫn từ khi chưa phát sinh và đưa ra một cơ chế giúp giải quyết nếu mâu thuẫn phát sinh.

3. Khung pháp lý của Việt Nam về thỏa thuận đồng sáng lập

   ♦ Pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định về khung pháp lý cho thỏa thuận đồng sáng lập cũng như không được viện dẫn trong bất kỳ một điều luật nào. Tuy nhiên thực tiễn đầu tư kinh doanh những năm gần đây cho thấy thỏa thuận đồng sáng lập ngày một được các cổ đông quan tâm nhiều hơn. Và trên thực tế, thỏa thuận này chỉ được ký riêng giữa một số hoặc tất cả các cổ đông tham gia góp vốn và có giá trị ràng buộc giữa các cổ đông với nhau. Do đó bản thỏa thuận này rất được các cổ đông lưu tâm đặc biệt là những cổ đông đã có kinh nghiệm khởi nghiệp.

   ♦ Nếu như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và điều lệ công ty được xem là những văn kiện pháp lý bắt buộc cấu thành nên công ty thì thỏa thuận cổ đông cũng là một trong những tài liệu không kém phần quan trọng mà trước khi đăng ký thành lập hoặc góp vốn vào một công ty, những nhà đầu tư sẽ soạn thảo và ký kết với nhau. Bản điều lệ công ty và thỏa thuận cổ đông thực chất đều xoay quanh điều chỉnh mối quan hệ giữa các cổ đông, cổ đông với công ty, quyền của cổ đông, vấn đề quản lý công ty và là cơ sở để giải quyết những khúc mắc, tranh chấp nếu xảy ra trong quá trình quản lý, điều hành công ty. 

   ♦ Thực tế, bản điều lệ công ty cũng được xem là một loại thỏa thuận cổ đông nhưng là thỏa thuận được cam kết bởi tất cả các cổ đông của công ty (ngay cả những cổ đông gia nhập sau vào công ty cũng phải tuân thủ) và được thỏa thuận tại thời điểm thành lập công ty. Còn thỏa thuận cổ đông được hiểu theo nghĩa rộng chính là thỏa thuận giữa hai hay nhiều hay tất cả cổ đông về những vấn đề liên quan đến nội bộ công ty. 

Mặc dù về nội dung thỏa thuận đồng sáng lập chưa được quy định cụ thể, nhưng về hình thức bản chất của thỏa thuận này vẫn là một giao dịch dân sự được hai trên thống nhất thực hiện. Do đó khi thực hiện thỏa thuận này vẫn phải đảm bảo các điều kiện có hiệu lực pháp luật đối với một giao dịch dân sự.

4. Những điều khoản cần có của thỏa thuận đồng sáng lập

Thỏa thuận sáng lập được xây dựng dựa trên sự thỏa thuận thống nhất của các đồng sáng lập. Mỗi dự án đều có những cách thức xây dựng và vận hành riêng do đó bản thỏa thuận này sẽ được viết nên dựa theo nội dung ấy. Tùy từng dự án mà bản thỏa thuận sáng lập có thể có những nội dung khác nhau, nhưng cơ bản những nội dung sau đây nên được đưa vào để đảm bảo giá trị pháp lý cho bản thỏa thuận:

4.1 Vấn đề mô tả dự án

  ► Điều khoản mô tả dự án startup sẽ nói về những điểm mấu chốt để một dự án được hình thành bao gồm: ý tưởng chính, hoàn cảnh khi bắt đầu dự án, lý do để các nhà sáng lập gắn kết với nhau, mục tiêu của dự án mà các nhà sáng lập đang hướng tới.

  ► Điều khoản này thường được đề cập trong phần “hoàn cảnh” của bản thoả thuận và có ý nghĩa giúp các bên đặt mình vào trong hoàn cảnh đó để thỏa thuận các điều khoản quan trọng tiếp theo. Về khía cạnh pháp lý, điều khoản này xác định chính xác ý chí của các bên tham gia thoả thuận.

4. 2. Vấn đề vai trò, quyền và trách nhiệm của mỗi nhà sáng lập

   ► Thường mỗi nhà sáng lập sẽ đóng một hoặc một vài vai trò trong quá trình xây dựng, vận hành dự án startup. Với mỗi nhà sáng lập, nên có một bản mô tả công việc để ghi nhận vai trò và những việc mà nhà sáng lập đó thực hiện và tương ứng với mỗi việc sẽ là thẩm quyền và trách nhiệm của nhà sáng lập đó. 

4.3 Vấn đề quản trị và điều hành dự án khởi nghiệp

   ► Các điều khoản về quy trình, nguyên tắc quản trị, điều hành dự án cần được đề cập một cách chi tiết. Trong đó, các quyết định nào được cá nhân nhà sáng lập tự quyết định, quyết định nào cần sự hội ý, đồng thuận giữa tất cả nhà sáng lập. Việc quản trị vận hành dự án startup thường xoay quanh các việc tuyển dụng, sa thải nhân viên, chế độ lương, thưởng của các nhà sáng lập, việc mua thiết bị, chi tiêu xây dựng sản phẩm và cho các chiến dịch kinh doanh, liên kết với các đối tác, ký kết các đơn hàng lớn, việc tham khảo ý kiến luật sư, nhận vốn đầu tư, bán dự án hoặc giải thể dự án.

4.4 Vấn đề quản trị các vấn đề về thu, chi tài chính

Để phòng tránh những hiểu lầm, mâu thuẫn không đáng có cũng như nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền của dự án hay công ty, Thoả thuận sáng lập nên đưa ra các nguyên tắc trong quản trị tiền của dự án. Các vấn đề có thể làm rõ như: 

    → Kế hoạch ngân sách cần được xây dựng vào thời điểm nào và có cần được tất cả các nhà sáng lập thông qua? 

    → Ai được quyết định chi khoản nào và chi bao nhiêu?

    → Khoản chi nào cần được tham khảo ý kiến ​​của những nhà sáng lập khác? 

    → Khoản chi nào cần được tất cả các nhà sáng lập đồng thuận? 

    → Doanh thu nếu có được chi tiêu cho những vấn đề theo thứ tự ưu tiên nào? 

    → Khi nào thì chia lợi nhuận? 

    → Báo cáo thu chi được thực hiện như thế nào để đảm bảo tính minh bạch trong quá trình vận hành dự án?

4.5 Vấn đề quyền sở hữu dự án/công ty

Tuỳ theo mỗi dự án, các nhà sáng lập thường phân chia quyền sở hữu dựa trên một số tiêu chí như: 

    → Công sức đóng góp của mỗi nhà sáng lập (thời gian làm việc, thành quả công việc);

    → Sự đóng góp tài chính;

    → Cơ hội kinh doanh. 

Dù dựa trên tiêu chí nào đi chăng nữa thì khi xác định được con số cụ thể của tỷ lệ sở hữu, thì cũng cần nêu rõ lý do dẫn đến con số đó để các bên luôn hiểu được những đóng góp, nỗ lực của mình đã được ghi nhận như thế nào.

4.6 Vấn đề rút khỏi dự án trước thời hạn

   ► Một dự án startup thường kéo dài từ hai đến bốn năm, do đó không phải nhà sáng lập nào cũng sẵn sàng theo đuổi một dự án từ khi bắt đầu đến khi dự án hoàn thành mục tiêu hoặc dừng lại. 

   ► Việc rút khỏi dự án trước thời hạn là việc khá phổ biến. Bản thỏa thuận sáng lập cần tiên liệu và đưa ra cách ứng xử khi một trong các nhà sáng lập rời khỏi dự án.

4.7 Vấn đề quyền sở hữu tài sản hữu hình và vô hình

   ► Tài sản của dự án startup có được do công sức, cống hiến của các nhà sáng lập và hoặc nhân viên thường sẽ thuộc sở hữu của doanh nghiệp nếu dự án startup đã thành lập doanh nghiệp hoặc là sở hữu chung của các cổ đông nếu dự án chưa thành lập doanh nghiệp. 

   ► Tài sản của dự án startup bao gồm tài sản hữu hình và cả tài sản vô hình hay còn gọi là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ thuộc đồng sở hữu thì không được nhà sáng lập nào tự ý sử dụng các tài sản trí tuệ cho mục đích cá nhân mà không phục vụ cho dự án. Việc vi phạm nguyên tắc sử dụng tài sản cho các mục đích gây bất lợi cho dự án startup cần có các chế tài phù hợp. 

4.8. Vấn đề đạo đức kinh doanh

Một vấn để tưởng chừng không quan trọng nhưng lại là mấu chốt dễ gây ra các mâu thuẫn, bất đồng hoặc nghi kỵ giữa các nhà sáng lập. 

Một vài nguyên tắc có thể được đưa vào như: 

    → Không lợi dụng dự án để tư lợi cho cá nhân; 

    → Không nhận hoa hồng hoặc quà cáp từ các nhà cung cấp; 

    → Không tuyển dụng người nhà vào các vị trí liên quan đến ngân quỹ - quản lý khách hàng mà không được sự đồng thuận của các cổ đông khác; 

    → Các giao dịch kinh doanh với những người nhà của nhà sáng lập cần được các nhà sáng lập thông qua về giá sản phẩm hoặc phí dịch vụ; 

    → Không quấy rối tình dục hoặc lợi dụng nhân viên của dự án cho mục đích tình dục; 

    → Không bán/chuyển thông tin bí mật kinh doanh cho đối thủ hoặc cho bên thứ ba…

4.9 Vấn đề bảo mật và chống cạnh tranh

   ► Điều khoản này giúp nâng cao nhận thức của nhà sáng lập khi ứng xử với các thông tin, thiết bị chứa thông tin bí mật hoặc các thông tin thuộc về bí quyết kinh doanh. Bên cạnh đó, điều khoản bảo mật và chống cạnh tranh cũng sẽ là một ràng buộc để các nhà sáng lập sẽ thận trọng hơn khi quyết định thực hiện các hành vi gây bất lợi cho dự án. 

4.10 Vấn đề rủi ro pháp lý và dự trù các tình huống trong tương lai

   ► Hãy tưởng tượng về viễn cảnh xấu nhất có thể xảy ra với dự án startup để đưa ra nguyên tắc xử lý. Các nhà sáng lập không nên lảng tránh bất kỳ vấn đề nào nhạy cảm hay gai góc nhất. Hãy xem rằng việc thảo luận là rất cần thiết và ảnh hướng đến sinh tồn của dự án. Thông qua các cuộc thảo luận về các tình huống xấu nhất có thể phát sinh, các nhà sáng lập sẽ hiểu rõ về nhau hơn.

5. Các bước xây dựng thỏa thuận đồng sáng lập

Bước 1: Giai đoạn chuẩn bị

Tại giai đoạn này các đồng sáng lập sẽ cùng nhau xem xét, thảo luận và thực hiện các công việc liên quan đến việc chuẩn bị soạn thảo một bản thỏa thuận đồng sáng lập như:

   ► Đưa ra và thống nhất các nội dung cần phải có của một bản thỏa thuận đồng sáng lập;

   ► Lựa chọn hình thức thể hiện phù hợp của một bản thỏa thuận đồng sáng lập;

   ► Việc soạn thảo thuận đồng sáng lập do ai phụ trách các đồng sáng lập, nhân sự hay thông qua một đơn vị luật tư vấn chuyên nghiệp;

   ► Thời điểm thỏa thuận đồng sáng lập được xây dựng khi nào là thích hợp;

Các công việc liên quan khác tùy theo từng dự án được triển khai và theo mức độ cũng như yêu cầu của các đồng sáng lập.

Bước 2: Giai đoạn triển khai

   ► Tại giai đoạn này sau khi đã lên được đầy đủ những nội dung tại giai đoạn chuẩn bị các đồng sáng lập sẽ bắt tay vào việc triển khai xây dựng bản thỏa thuận đầy đủ và chi tiết nhất. Việc soạn thảo này có thể do các đồng sáng lập hoặc các nhân sự có chuyên môn kinh nghiệm hoặc có thể tìm kiếm các đơn vị luật tư vấn chuyên nghiệp để thực hiện. Dù trực tiếp hay thông qua bất kỳ cá nhân/tổ chức nào thì việc xây dựng thỏa thuận đồng sáng lập cũng phải luôn luôn bám sát những ý kiến thỏa thuận chung mà các đồng sáng lập đã đạt được.

Bước 3: Giai đoạn hoàn thành và thực thi trên thực tế

   ► Thỏa thuận đồng sáng lập sau khi được các bên nhất trí thông qua sẽ là văn bản có giá trị lớn nhất ghi nhận những thỏa thuận đã đạt được giữa các đồng sáng lập. Việc thực thi trên thực tế sẽ đánh giá được mức độ hoàn thành có giống với những thỏa thuận đã được ghi nhận ban đầu hay không. 

   ► Để có thể ngăn ngừa được những rủi ro có thể xảy ra cũng như đánh giá được khách quan mức độ thực hiện thỏa thuận giữa các đồng sáng lập thì nên có cơ chế kiểm tra giám sát để đảm bảo luôn luôn duy trì được tính ổn định và sự bình đẳng trong quyền lợi và nghĩa vụ của các đồng sáng lập trong quá trình hợp tác.

 

Với mục tiêu hỗ trợ toàn diện đem lại sự an tâm, thuận tiện và đơn giản hóa trải nghiệm kinh doanh của khách hàng, True Legal cung cấp dịch vụ pháp lý xuyên suốt hành trình kinh doanh của khách hàng trên các lĩnh vực Quản lý rủi ro và Tuân thủ của doanh nghiệp – Sở hữu trí tuệ - Quản lý thuế, Kế toán tài chính - Quản trị nội bộ doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc pháp lý cùng kiến thức chuyên môn sâu rộng và sự tin tưởng và tiếp tục sử dụng, giới thiệu cho bạn bè, người quen của khách hàng cũ luôn là sự mạnh mẽ khẳng định uy tín, chất lượng dịch vụ của chúng tôi.

Thông tin liên hệ yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp lý:

CÔNG TY TNHH TRUE LEGAL VIỆT NAM

Hotline: 096 948 3539/ 093 123 3539

Điện thoại: (024) 2219 9090 

Email: info@truelegal.vn

Địa chỉ trụ sở: Số 22 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

VPGD tại HCMC: Số 11Bis Phan Ngữ, Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Hotline tư vấn & hỗ trợ