Tư vấn luật đầu tưTư vấn:096.948.3539 - 096.948.3539 - 093.123.3539

04/122024

9 ĐIỀU NÊN TRÁNH KHI ĐẶT TÊN THƯƠNG HIỆU Ở VIỆT NAM

Tên thương hiệu là tài sản vô hình gắn với sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm/dịch vụ của đối thủ khác trên thị trường. Vì vậy, việc đặt tên thương hiệu như thế nào để có thể ghi dấu trong tâm trí khách hàng luôn là bước đầu tiên mà doanh nghiệp quan tâm. Một trong các nguyên tắc vàng khi đặt tên thương hiệu là tên thương hiệu phải bảo hộ được về mặt pháp lý khi đăng ký nhãn hiệu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dữ liệu nhãn hiệu ở Việt Nam đã có thể lên tới gần nửa triệu bản ghi thì rõ ràng cơ hội đăng ký thành công nhãn hiệu/thương hiệu ở Việt Nam sẽ càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới (start-up) gia nhập thị trường. Theo một số nguồn tin không chính thức thì tỷ lệ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ toàn bộ hoặc một phần có khuynh hướng tăng, 

Lý do từ chối bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu thì khá phong phú, có thể là bất kỳ căn cứ pháp lý nào đó thuộc Điều 73 và Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ vốn khá dài và khó hình dung. Nhưng tóm gọn lại, TRUE LEGAL xin tổng hợp 9 điều doanh nghiệp nên tránh khi đặt tên thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam:

1. SỬ DỤNG HÌNH ẢNH VÀ TÊN GỌI THÔNG THƯỜNG CỦA HÀNG HÓA/DỊCH VỤ 

Ví dụ: Từ “Phở bò”/”Cake” sẽ không được bảo hộ cho nhóm sản phẩm Thực phẩm vì đây là tên gọi thông thường của sản phẩm (dù bằng bất kỳ ngôn ngữ nào) đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến.

Hình một bát phở thực tế cũng vậy, nhưng nếu được thiết kế biến tấu, cách điệu đi – mang tính sáng tạo và độc quyền cao, thì khả năng được bảo hộ sẽ cao hơn.

2. SỬ DỤNG TỪ NGỮ MÔ TẢ TÍNH CHẤT CỦA HÀNG HÓA/DỊCH VỤ .

♦ Các từ ngữ miêu tả thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính mô tả khác (dưới bất kỳ ngôn ngữ nào) sẽ không được bảo hộ.

Ví dụ:

► Các từ ngữ mang tính chất miêu tả chất lượng, tính chất sản phẩm, như khen (Tốt, Tốt nhất, Cực kỳ, Số 1…), giới thiệu hàng hoá và dịch vụ cho khách hàng (“Đúng là các bạn cần”), hoặc quảng cáo (“Duy nhất tạo nên giá trị”) đều được coi là không có khả năng phân biệt.

► Các từ mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh như “Công ty trách nhiệm hữu hạn”, “Công ty cổ phần” hoặc “Công ty may mặc” cũng không có khả năng bảo hộ.

► Cơm tấm đêm, cà phê trưa, … (thời gian); bánh mì Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, phở Hồ Gươm, … (địa điểm); ép, đúc, thủ công, đan, may, … (phương pháp sản xuất); bút, dao cạo râu, bật lửa, nước hoa, … (chủng loại hàng hóa); đôi, cặp, chiếc, bộ, … (số lượng), kem dưỡng da tinh bột nghệ (thành phần/công dụng) đều không được bảo hộ.

♦ Trong một số trường hợp, từ ngữ mô tả có thể được chấp nhận đăng ký nếu trên thực tế đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Ví dụ:

► Nhãn hiệu “Thegioididong” đăng ký lần đầu năm 2004 cho các sản phẩm/dịch vụ liên quan đến điện thoại, phụ kiện đã bị từ chối bảo hộ do mô tả. Tuy nhiên, khi đăng ký lại năm 2007, nhãn hiệu này lại được bảo hộ vì thực tế đã đạt được khả năng phân biệt thông qua trong quá trình sử dụng.

Như vậy, nhãn hiệu mô tả của bạn vẫn có thể được cấp bằng nếu nó đã được sử dụng đủ lâu (khoảng 3-5 năm) và có nhiều tài liệu chứng minh nhãn hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt (ví dụ: tài liệu quảng cáo marketing đã thực hiện, số liệu thống kê của cơ quan có thẩm quyền, tần suất xuất hiện, …)

3. SỬ DỤNG TỪ NGỮ MÔ TẢ ĐỊA DANH 

♦ Theo quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, địa danh không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu thông thường. Địa danh chỉ được bảo hộ khi nó được đăng ký dưới dạng chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể.

Ví vụ: Cam Cao Phong, Chôm chôm Vĩnh Long, …

♦ Chỉ dẫn địa lý chỉ được bảo hộ nếu chủ thể quản lý nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý là cơ quan nhà nước (cá nhân, tổ chức khác được quyền sử dụng nếu được cho phép nhưng không được quyền đăng ký)

♦ Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể phải là một tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp.

4. SỬ DỤNG DẤU HIỆU GỒM MỘT CHỮ CÁI HOẶC HAI CHỮ CÁI KHÔNG THỂ PHÁT ÂM NHƯ MỘT TỪ VÀ CÁC CHỮ SỐ 

♦ Đừng sử dụng những chữ cái đơn giản như AA, AB, AC, BC, ED, ... hoặc các số 111,22,3, … hoặc kết hợp AA1 vì chắc chắn sẽ không được bảo hộ, trừ trường hợp:

♦ Các chữ cái, chữ số này được thiết kế cách điệu dưới dạng đồ họa, có tính thẩm mỹ và phân biệt; hoặc

♦ Các chữ cái, chữ số đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa là một nhãn hiệu (ví dụ: Bia 333).

5. SỬ DỤNG MỘT TẬP HỢP CHỮ CÁI KHÔNG THỂ NHỚ VÀ NHẬN BIẾT 

Một tập hợp quá nhiều chữ cái hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ được như một dãy quá nhiều ký tự không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định sẽ không được bảo hộ trừ khi đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu.

Ví dụ: Nhãn hiệu: ADBREF111DE chắc chắn sẽ không được bảo hộ vì đây là một tập hợp từ không thể nhớ và cũng chẳng theo trật tự nào cả => Nếu người tiêu dùng không thể nhớ được thì làm sao có thể được coi là 1 nhãn hiệu có khả năng bảo hộ được?

6. SỬ DỤNG CÁC HÌNH VÀ HÌNH HÌNH HỌC ĐƠN GIẢN VÀ HÌNH VẼ, HÌNH ẢNH QUÁ PHỨC TẠP 

♦ Dấu hiệu hình là hình hoặc hình hình học phổ thông như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác… hoặc hình vẽ đơn giản; hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm.

♦ Hình vẽ, hình ảnh quá rắc rối phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điểm của hình như gồm quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau.

7. SỬ DỤNG NGÔN NGỮ KHÔNG THÔNG DỤNG Ở VIỆT NAM 

Các ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được) như ký tự không có nguồn gốc La-tinh: chữ Ả-rập, chữ Slavơ, chữ Phạn, chữ Trung Quốc, chữ Nhật, chữ Triều Tiên, chữ Thái…; trừ khi ký tự thuộc ngôn ngữ trên đi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng phân biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác.

Mặc dù có thể các ký tự này đi kèm với các ký tự khác để được bảo hộ 1 cách tổng thể nhưng chắc chắn các ký tự này không được bảo hộ riêng.

Ví dụ: nhãn hiệu dưới đây được bảo hộ tổng thể vì có chữ JES kết hợp cùng các ký tự tiếng Nhật. Tuy nhiên, các ký tự tiếng Nhật không được bảo hộ riêng mặc dù xuất hiện trong nhãn hiệu.

8. SỬ DỤNG TỪ NGỮ, HÌNH ẢNH LÀM HIỂU SAI LỆCH, GÂY NHẦM LẪN HOẶC CÓ TÍNH CHẤT LỪA DỐI NGƯỜI TIÊU DÙNG 

Nhãn hiệu chữ sẽ bị từ chối bảo hộ nếu làm người tiêu dùng hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá và dich vụ.

Ví dụ: Sản phẩm nước nắm sản xuất ở TP.HCM đăng ký nhãn hiệu “Nước nắm Phú Quốc” thì nhãn hiệu này không có khả năng phân biệt vì sẽ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

9. SỬ DỤNG CÁC DẤU HIỆU ĐÃ ĐƯỢC SỬ DỤNG RỘNG RÃI VÀ THƯỜNG XUYÊN TRONG THƯƠNG MẠI 

Dấu hiệu đã được sử dụng rộng rãi và thường xuyên trong thương mại giống như tên gọi thông thường của hàng hoá và dịch vụ không có khả năng bảo bộ như nhãn hiệu, nhưng chúng tuy nhiên có thể là một phần của nhãn hiệu.

Ví dụ: NETWORK, NET, WEB, .COM, là ví dụ các từ đã trở thành thông thường trong thương mại.

Trân trọng cảm ơn sự đón đọc của Quý độc giả!

DANH MỤC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bất cẩn với sở hữu trí tuệ - doanh nghiệp có thể khốn đốn

Sở hữu trí tuệ có thể nâng cao giá trị thị trường của doanh nghiệp vừa và nhỏ như thế nào

Nguy hiểm cho doanh nghiệp khi không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

10 sai lầm pháp lý các startup thường vướng phải

Những rủi ro pháp lý startup cần biết


Với mục tiêu hỗ trợ toàn diện đem lại sự an tâm, thuận tiện và đơn giản hóa trải nghiệm kinh doanh của khách hàng, True Legal cung cấp dịch vụ pháp lý xuyên suốt hành trình kinh doanh của khách hàng trên các lĩnh vực Quản lý rủi ro và Tuân thủ của doanh nghiệp – Sở hữu trí tuệ - Quản lý thuế, Kế toán tài chính - Quản trị nội bộ doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc pháp lý cùng kiến thức chuyên môn sâu rộng và sự tin tưởng và tiếp tục sử dụng, giới thiệu cho bạn bè, người quen của khách hàng cũ luôn là sự mạnh mẽ khẳng định uy tín, chất lượng dịch vụ của chúng tôi.

Thông tin liên hệ yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp lý:

CÔNG TY TNHH TRUE LEGAL VIỆT NAM

Hotline: 096 948 3539/ 093 123 3539

Điện thoại: (024) 2219 9090 

Email: info@truelegal.vn

Địa chỉ trụ sở: Số 22 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

VPGD tại HCMC: Số 11Bis Phan Ngữ, Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh

 
Hotline tư vấn & hỗ trợ