Tư vấn luật đầu tưTư vấn:096.948.3539 - 096.948.3539 - 093.123.3539

10/052024

CÁC CHÍNH SÁCH - QUY ĐỊNH VỀ BHXH, BHYT VÀ BHTN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đã lựa chọn các phương án xử lý khác nhau như:

- Thỏa thuận với NLĐ về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) theo điểm h, khoản 1, Điều 30, Bộ luật lao động 2019 (“Bộ Luật Lao Động”),

- Tạm ngừng công việc của NLĐ do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm theo khoản 3, Điều 99 Bộ Luật Lao Động,

- Tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ theo quy định tại Điều 29 Bộ Luật Lao Động,

- NSDLĐ phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc do ảnh hưởng bởi những lý do bất khả kháng theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 36 Bộ Luật Lao Động,

- NLĐ nghỉ việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo Điều 42 Bộ Luật Lao Động.

Tùy thuộc vào từng chính sách cụ thể mà doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tuân theo các quy định về chế độ Bảo hiểm xã hội (“BHXH”), Bảo hiểm y tế (“BHYT”), Bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”) trong các trường hợp ngừng việc, không đủ khả năng chi trả bảo hiểm như sau:

TRƯỜNG HỢP 1: ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP TẠM NGƯNG HOẠT ĐỘNG DẪN ĐẾN KHÔNG PHẢI ĐÓNG BHXH CHO NLĐ 

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (“Luật BHXH”), Người lao động (“NLĐ”) không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) và cả NLĐ không phải đóng BHXH của tháng đó, đồng thời, thời gian này không được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Theo đó, nếu NLĐ có thời gian không làm việc trong một tháng dưới 14 ngày làm việc thì NSDLĐ và NLĐ bắt buộc phải đóng BHXH cho NLĐ. Trong trường hợp này, pháp luật chỉ quy định về việc đóng BHXH mà chưa quy định cụ thể có bao gồm BHYT và BHTN hay không. Do đó, chưa có cơ sở chắc chắn nào cho rằng NSDLĐ không tham gia BHYT và BHTN cho NLĐ khi NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng. NSDLĐ cần có công văn yêu cầu chuyên viên quản thu BHXH nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính giải đáp cụ thể từng trường hợp. Được biết rằng, tỷ lệ tham gia BHYT hiện nay là 4.5% (trong đó, NSDLĐ đóng 3%), BHTN 2% (trong đó, NSDLĐ đóng 1%).

Theo đó, NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng NLĐ vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Theo hướng dẫn tại Công văn số 422/BHXH-CSXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì theo Điều 25 Luật BHXH về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ đang tham gia BHXH thì NLĐ bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y Tế. Như vậy, đối với NLĐ bị cách ly y tế mà không bị mắc bệnh không phải là trường hợp ốm đau và không phải điều trị nhưng bị bắt buộc nghỉ việc để phòng dịch dịch thì quyền lợi về BHXH cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có chính sách cụ thể, do đó, NLĐ bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Vì vậy, NSDLĐ không phải kê khai, làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau cho NLĐ trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, trong trường hợp NSDLĐ gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc NLĐ và NSDLĐ không có khả năng đóng BHXH thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời hạn không quá 12 tháng khi thuộc các trường hợp sau:

(*) Không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó số NLĐ thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số NLĐ có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc

(**) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất). Lưu ý, trong trường hợp này, NSDLĐ vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT, quỹ BHTN.

Trường hợp không thuộc trường hợp đóng BHXH hoặc được hưởng các ưu đãi về BHXH (quỹ hưu trí và tử tuất) nêu trên, NSDLĐ phải nộp hồ sơ tạm dừng đóng BHXH đến cơ quan BHXH cấp quận để đề nghị tạm dừng đóng BHXH. Đồng thời, trong thời gian không kê khai BHXH cho NLĐ này, NSDLĐ phải thông báo điều chỉnh báo giảm lao động tham gia đóng BHXH từ thời gian NLĐ không tham gia làm việc theo hình thức nghỉ việc không hưởng lương và tạm hoãn thực hiện hợp đồng và đăng ký tăng lao động tham gia BHXH khi nhận NLĐ làm việc trở lại.

TRƯỜNG HỢP 2: ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP DOANH NGHIỆP TẠM NGƯNG HOẠT ĐỘNG NHƯNG VẪN PHẢI ĐÓNG BHXH CHO NLĐ 

Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Công văn 264/QHLĐTL-TL gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố về việc trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Công văn hướng dẫn việc trả lương ngừng việc như sau:

- Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.

- Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như:

(1) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

(2) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

(3) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

(4) Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc.

Thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 của Bộ luật Lao động, cụ thể:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 (áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP ):

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 10 tháng 04 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19. Theo đó, tại Mục III Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ:

Trong trường hợp NSDLĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải cắt giảm từ 50% NLĐ tham gia BHXH trở lên tính từ thời điểm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố dịch bệnh, trong đó có cả NLĐ ngừng việc, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương (như Trường hợp 2 nêu trên) thì NLĐ và NSDLĐ sẽ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng. 

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết  số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Qua đó, trước tiên thể hiện các nội dung Hỗ trợ bằng tiền và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VỚI NSDLĐ:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

NSDLĐ được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, NLĐ trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).

NSDLĐ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ phòng chống đại dịch Covid-19.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

NSDLĐ đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và NSDLĐ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ

NSDLĐ được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ BHTN khi đóng đủ BHTN cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020;

Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/NLĐ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Đối với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01 tháng 10 năm 2021. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022.

Các chính sách này nhằm góp phần hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó, thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Mặc dù những quy định chung được đề cập ở trên, doanh nghiệp nên lưu ý rằng, tất cả các chính sách liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện ở mỗi địa phương là khác nhau để phù hợp với tình hình dân sinh tại địa phương cụ thể. Do đó, để đảm bảo thực hiện đúng thủ tục và tiết kiệm thời gian, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý về BHXH hoặc Phòng/Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý trực tiếp để có thêm thông tin chi tiết thực hiện

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Tái cấu trúc doanh nghiệp về lao động trong bối cảnh Covid-19 

Lưu ý pháp lý về việc tạm ngừng kinh doanh trong bối cảnh Covid-19

Chính sách - quy định về thuế hỗ trợ của chính phủ Việt Nam 


Với mục tiêu hỗ trợ toàn diện đem lại sự an tâm, thuận tiện và đơn giản hóa trải nghiệm kinh doanh của khách hàng, True Legal cung cấp dịch vụ pháp lý xuyên suốt hành trình kinh doanh của khách hàng trên các lĩnh vực Quản lý rủi ro và Tuân thủ của doanh nghiệp – Sở hữu trí tuệ - Quản lý thuế, Kế toán tài chính - Quản trị nội bộ doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc pháp lý cùng kiến thức chuyên môn sâu rộng và sự tin tưởng và tiếp tục sử dụng, giới thiệu cho bạn bè, người quen của khách hàng cũ luôn là sự mạnh mẽ khẳng định uy tín, chất lượng dịch vụ của chúng tôi.

Thông tin liên hệ yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp lý:

CÔNG TY TNHH TRUE LEGAL VIỆT NAM

Hotline: 096 948 3539/ 093 123 3539

Điện thoại: (024) 2219 9090 

Email: info@truelegal.vn

Địa chỉ trụ sở: Số 22 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

VPGD tại HCMC: Số 11Bis Phan Ngữ, Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Hotline tư vấn & hỗ trợ