Tư vấn luật đầu tưTư vấn:096.948.3539 - 096.948.3539 - 093.123.3539

03/052024

CÁC HÌNH THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CẦN QUAN TÂM TRONG BỐI CẢNH COVID-19

VAI TRÒ CỦA GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG VÀ SAU DỊCH BỆNH CORONA

Đại dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, hàng hoá bị chặn tại các cửa khẩu, xây dựng bị ngừng vì đại dịch, các hợp đồng bị vi phạm vì nhiều nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ Covid-19. Theo đó, các vấn đề tranh chấp sẽ phát sinh nhiều hơn và phức tạp hơn ở thời điểm hiện tại. Giải quyết tranh chấp đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ các mâu thuẫn, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại, tạo nên một xã hội công bằng và điều tiết các quan hệ xã hội vào đúng khuôn khổ của pháp luật.

Thực tiễn pháp luật Việt Nam ghi nhận ba phương thức giải quyết tranh chấp dân sự phổ biến sau đây: (i) Thương lượng; (ii) Hòa giải; và (iii) Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân (sau đây gọi tắt là “Tòa án”) hoặc Trọng tài thương mại (sau đây gọi tắt là “Trọng tài”). Tuỳ vào tính chất giao dịch và tranh chấp, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức phù hợp dựa trên các phân tích chi tiết sau

CÁC HÌNH THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ ƯU NHƯỢC ĐIỂM

Các hình thức GQTC

Tổng quan

Ưu điểm

Nhược điểm

Thương lượng

Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp gặp nhau để bàn bạc, thỏa thuận nhằm tự giải quyết những bất đồng phát sinh mà không có sự hiện diện của bên thứ ba.

- Các bên được tự do thỏa thuận mà không chịu sự ràng buộc của quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện.
- Các bên có thể bảo vệ được bí mật kinh doanh và uy tín, tiết kiệm chi phí cũng như giữ gìn mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Kết quả thương lượng không được đảm bảo bằng bất kỳ cơ chế pháp lí mang tính bắt buộc nào nên việc thực hiện kết quả thương lượng hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi bên tranh chấp.

Hòa giải

Là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba nhằm hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp để giải quyết tranh chấp. Bên thứ ba là cá nhân hoặc tổ chức do các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn và có vị trí độc lập với các bên và hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp.

- Các bên tranh chấp có thể chọn tiến hành hòa giải tại Tòa án (các Trung tâm hòa giải và đối thoại tại Tòa án), các Trung tâm hòa giải thương mại hoặc các Trung tâm trọng tài thương mại.

- Thủ tục đơn giản, nhanh gọn và chi phí thấp hơn so với giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
- Trình tự, thủ tục hòa giải sẽ do các bên tranh chấp tự thỏa thuận và thống nhất. Đối với hòa giải thương mại, ngoài việc tự thỏa thuận thì các bên có thể lựa chọn quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải.
- Không làm ảnh hưởng đến uy tín và mối quan hệ hợp tác giữa các bên, bí mật kinh doanh cũng được giữ kín.
- Kết quả hòa giải có thể được Tòa án công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nếu như một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.

Nếu kết quả hòa giải không được Tòa án công nhận thì việc thực hiện cũng sẽ phải phụ thuộc vào sự tự nguyện và thiện chí hợp tác của mỗi bên tranh chấp.

Tòa án

Là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước và được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt và chặt chẽ

- Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án được pháp luật quy định rõ ràng và chặt chẽ.
- Phán quyết của Toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước

- Tòa án xét xử công khai. Do đó, có thể làm lộ các bí mật kinh doanh và ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của các bên tranh chấp;
- Thời gian giải quyết kéo dài;
- Bản án của Tòa án có thể bị kháng
cáo, kháng nghị.

Trọng tài

- Là phương thức giải quyết các tranh
chấp về thương mại do các bên thỏa
thuận và được tiến hành theo quy định
của Luật Trọng tài thương mại 2010.
Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động
thương mại quốc tế có thể chọn trọng
tài hoặc pháp luật nước ngoài để giải
quyết tranh chấp tuỳ thoả thuận của
các bên.
- Trọng tài có hai hình thức:

Trọng tài quy chế: Là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọngtài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Trọng tài vụ việc: Là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.

- Các bên có thỏa thuận áp dụng Trọng tài và thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi có tranh chấp nhưng phải được xác lập dưới dạng văn bản.
- Nội dung tranh chấp phải liên quan đến hoạt động thương mại hoặc tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít
nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
- Không trải qua nhiều cấp xét xử. Phán quyết của trọng tài là chung thẩm nếu như không có yêu cầu hủy phán quyết.
- Tất cả bí mật thông tin của các bên được giữ kín trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lẫn sau khi có phán quyết cuối cùng.
- Thủ tục đơn giản, mềm dẻo và linh hoạt nên các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp.
- Việc thi hành phán quyết lúc ban đầu hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí hợp tác và sự tự nguyện của các bên. Chỉ khi vượt quá thời hạn thi hành ghi trong phán quyết và có yêu cầu của bên được thi hành thì mới có sự can thiệp của cơ quan thi hành án.

- Chi phí giải quyết tranh chấp cao hơn so với Tòa án.
- Việc giải quyết tranh chấp tại Trọng Tài chỉ khi được sự thỏa thuận bằng văn bản của các bên.
- Phán quyết của trọng tài có thể bị Tòa án có thẩm quyền hủy nếu vi phạm các điều kiện luật định và các bên phải tiến hành tố tụng lại từ đầu.

 

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN 

Việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại tòa án được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại BLTTDS 2015: 

Tòa án có thẩm quyền giải quyết

Xác định thẩm quyền giải quyết theo vụ việc: căn cứ theo điểm khoản Điều 30 BLTTDS 2015 thì đối với tranh chấp liên quan đến kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án.

Xác định thẩm quyền theo cấp của tòa án: những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Những tranh chấp về kinh doanh thương mại còn lại sẽ do Tòa án cấp tỉnh xét xử.

Trong trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện. Lúc này TAND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ: Các bên trong tranh chấp căn cứ theo quy định tại Điều 39 BLTTDS 2015 để xác định cụ thể tòa án nơi nào có thẩm quyền giải quyết.

Hồ sơ khởi kiện gồm những gì?

Đơn khởi kiện: Theo Điều 186 BLTTDS 2015, người khởi kiện tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nội dung đơn khởi kiện tuân thủ các yêu cầu theo luật định.

Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

Các bước giải quyết của Tòa án trong vụ án kinh doanh thương mại

Theo Điều 191 BLTTDS 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;

- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án.

Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

Thời hạn giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại của Tòa án

Theo Điều 203, Điều 205 BLTTDS 2015 thì tùy thuộc vào tính chất của mỗi vụ việc, thời hạn chuẩn bị xét xử thường kéo dài từ 02 đến 04 tháng.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có THỎA THUẬN TRỌNG TÀI. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Từ quy định trên, có thể thấy điều kiện để giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại là các bên có thỏa thuận trọng tài. Và thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

Khi đã xác định giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thì các bên cần lưu ý trong quá trình xác lập thỏa thuận tránh các trường hợp dẫn đến thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Cụ thể, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong các TRƯỜNG HỢP sau:

- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.

- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.

- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.

- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Hình thức thỏa thuận trọng tài

Căn cứ theo Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010, Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng VĂN BẢN. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:

- Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

- Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;

- Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;

- Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

- Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Thủ tục giải quyết tranh chấp Trọng tài thương mại

Bước 1: Xét thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Căn cứ theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm phạm.

Bước 2: Gửi đơn khởi kiện yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết

Sau khi xem xét còn thời hiệu khởi kiện, các bên có quyền làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.

Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:

- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

- Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;

- Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;

- Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;

- Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;

- Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.

- Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

Nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn khởi kiện của nguyên đơn và những tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này.

Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Đơn kiện lại của bị đơn phải được gửi cho Trung tâm trọng tài. Trong trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, đơn kiện lại phải gửi cho Hội đồng trọng tài và nguyên đơn. Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ.

Bước 3: Trung tâm trọng tài thành lập Hội đồng trọng tài

Điều 38 Luật Trọng tài thương mại 2010 cho phép các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì một Hội đồng trọng tài được thành lập để giải quyết tranh chấp.

Tùy vào tính chất của tranh chấp mà các bên thỏa thuận Thành lập Hội đồng trọng tài tại trung tâm trọng tài hoặc Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc để giải quyết tranh chấp. Trình tự thành lập trọng tài được quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài:

- Thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng trọng tài;

- Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về thu thập chứng cứ;

- Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài về triệu tập người làm chứng;

- Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Thẩm quyền thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài.

Bước 4: Mở phiên họp giải quyết tranh chấp

Phiên họp giải quyết tranh chấp được mở ra nhằm mục đích để các bên thực hiện hòa giải, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại Điều 58 Luật này, khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên.

Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

Bước 5: Phán quyết của Hội đồng trọng tài

Khi các bên không hòa giải thành thì Hội đồng trọng tài sẽ giải quyết tranh chấp. Kết quả giải quyết tranh chấp được thể hiện thông qua phán quyết của Hội đồng trọng tài. Theo Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Khi phán quyết trọng tài có hiệu lực, Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài.

Nếu hết thời hạn thi hành phán quyết, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này.

 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN :

CẨM NANG PHÁP LÝ DÀNH CHO DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN CHỊU ẢNH HƯỞNG CỦA COVID - 19

01. Tái cấu trúc doanh nghiệp về lao động trong bối cảnh Covid-19 

02. Lưu ý pháp lý về việc tạm ngừng kinh doanh tronhg bối cảnh Covid-19

03. Chính sách - quy định về thuế hỗ trợ của chính phủ Việt Nam 

04. Các chính sách - quy định về BHXH, BHYT và BHTN hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

05. Chính sách tín dụng ngân hàng để hỗ trợ đời sống và kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19

06. Sự kiện bất khả kháng: Từ quy định đến thực tiễn áp dụng trong bối cảnh dịch Covid-19

 07. Bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của bạn trong thời kỳ dịch Covid-19


Với mục tiêu hỗ trợ toàn diện đem lại sự an tâm, thuận tiện và đơn giản hóa trải nghiệm kinh doanh của khách hàng, True Legal cung cấp dịch vụ pháp lý xuyên suốt hành trình kinh doanh của khách hàng trên các lĩnh vực Quản lý rủi ro và Tuân thủ của doanh nghiệp – Sở hữu trí tuệ - Quản lý thuế, Kế toán tài chính - Quản trị nội bộ doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên viên nhiều năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc pháp lý cùng kiến thức chuyên môn sâu rộng và sự tin tưởng và tiếp tục sử dụng, giới thiệu cho bạn bè, người quen của khách hàng cũ luôn là sự mạnh mẽ khẳng định uy tín, chất lượng dịch vụ của chúng tôi.

Thông tin liên hệ yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp lý:

CÔNG TY TNHH TRUE LEGAL VIỆT NAM

Hotline: 096 948 3539/ 093 123 3539

Điện thoại: (024) 2219 9090 

Email: info@truelegal.vn

Địa chỉ trụ sở: Số 22 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

VPGD tại HCMC: Số 11Bis Phan Ngữ, Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh

Hotline tư vấn & hỗ trợ